Quan điểm của Phật giáo đối với tục 'chiêu hồn, luyện cốt'

Đúng như Phật tử đã nhận thức, "chiêu hồn, luyện cốt" là một hình thức tín ngưỡng dân gian. Những người theo tín ngưỡng này tin tưởng rằng, người chết phải còn thân xác nguyên vẹn, được an táng chu đáo và xác thân trong phần mộ là nơi nương tựa, trú ẩn của vong hồn.

Hỏi: Tôi thấy trong dân gian, những người có thân nhân chết (không tìm được xác) thường tổ chức lễ "chiêu hồn, luyện cốt". Họ mời thầy pháp dùng một hình nộm bằng rơm, giấy hoặc đất sét làm phép, cầu nguyện rồi sau đó đem an táng và tin tưởng rằng những người chết sẽ yên ổn, không còn vất vưởng và quấy phá nữa. Xin hỏi trong Phật giáo có nghi thức này không? Quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề này thế nào?

Trong chiến tranh, dòng tộc tôi có rất nhiều người chết mà không tìm được xác. Là một Phật tử, tôi phải làm gì và giải thích như thế nào để cho bà con dòng tộc an tâm về vấn đề trên?

Ảnh minh họa.

Đáp: Đúng như Phật tử đã nhận thức, "chiêu hồn, luyện cốt" là một hình thức tín ngưỡng dân gian. Những người theo tín ngưỡng này tin tưởng rằng, người chết phải còn thân xác nguyên vẹn, được an táng chu đáo và xác thân trong phần mộ là nơi nương tựa, trú ẩn của vong hồn. Do vậy, đối với những người chết mất xác hoặc do bom đạn, hoặc do lửa cháy, nước trôi...thì vong hồn của họ không nơi trú ẩn, vì thế không hội nhập và định cư với cộng đồng "người âm" ở nghĩa địa nên lang thang, vất vưởng, chịu nhiều lạnh lẽo và đói khát.

Để trợ giúp những vong hồn mất xác ấy tái nhập cư với cộng đồng "người âm", gia đình mời pháp sư đến làm một hình nhân (luyện cốt), sau đó pháp sư gọi hồn người chết về (chiêu hồn), ban cho thân xác rồi đưa đi an táng. Vong hồn từ đây có xác, có mộ phần, được cúng kiến, hương khói trở nên yên ấm, no đủ.

Trong Phật giáo không có hình thức tín ngưỡng "chiêu hồn, luyện cốt" này. Con người, theo Phật giáo là một phức hợp của ngũ uẩn, gồm sắc (xác thân) và thọ, tưởng, hành, thức (tâm thức). Khi chết thì xác thân tứ đại trả về cho tứ đại, còn tâm thức hay thần thức thì theo nghiệp đi đầu thai. Tùy theo nghiệp thiện ác mà sinh vào cảnh giới tương ứng trong lục đạo. Vì thế, Phật giáo chỉ chủ trường cầu siêu, tức khai thị và hướng dẫn cho thần thức giác ngộ để hướng thiện mà được sinh vào cảnh giới an lành. Còn xác thân của người chết không có ý nghĩa và giá trị gì cả đối với sự tái sinh của cá nhân ấy. Nói chính xác hơn, Phật giáo không quan tâm đến các vấn đề của xác thân sau khi chết. Vì thế, Phật giáo chấp nhận tất cả các loại hình mai táng như hỏa táng (thiêu), địa táng (chôn), thủy táng (bỏ xác xuống sông), lâm táng (bỏ xác vào rừng) thậm chí cả điểu táng (đem xác chặt nhỏ cho chim ăn). Trừ địa táng thì còn lại xương cốt và mồ mả của người đã khuất; ngoài ra, các hình thức mai táng khác cũng gần như tương tự với trường hợp chết mất xác. Ở một vài nước Phật giáo như Tây Tạng chẳng hạn, chủ trương thiên về hỏa táng và điểu táng. Vì theo họ, làm tan hoại xác chết càng nhanh thì càng dễ dàng cắt đứt sự luyến ái và chấp thủ về sắc thân, giúp cho thần thức nhanh chóng thoát ly tham ái tự ngã, để thành tựu giải thoát.

Ảnh minh họa.

Trở lại vấn đề địa táng, một tập tục quen thuộc của các nước Á Đông. Thực ra, địa táng cũng là một cách làm phân hủy xác chết theo trình tự chậm hơn các hình thức an táng khác. Dẫu cho thỉnh thoảng có trường hợp "mộ kết", xác chết không phân hủy hay các trường hợp xác ướp cũng chỉ lưu giữ được một phần nào của địa đại. Còn thủy đại, phong đại và hỏa đại, những thành phần của tứ đại đã phân tán khi vừa mới chết. Khi tứ đại phân ly, nếu thần thức bám theo tứ đại thì ai dám chắc là sẽ theo đại nào: đất, nước, gió hay lửa? Nắm xương tàn được xem là điểm tựa của hồn ma, mộ phần thường được xem như là nhà của người chết rồi từ đó hình thành quan niệm thế giới của người âm và tín ngưỡng "chiêu hồn, luyện cốt" nói trên.

Đối với người Phật tử, nhận thức được giáo lý như đã nếu một cách rõ ràng thì những người quá cố trong dòng tộc dẫu có xác hay mất xác đều không can hệ gì đến việc tái sinh của họ cả. Có thể những người mất xác nhưng được tái sinh vào cõi lành, trong khi đó, rất có thể những người có xác, có mồ yên mả đẹp lại bị đọa lạc vào cõi dữ. Vì vậy, người Phật tử không nên tin vu vơ vào tín ngưỡng "chiêu hồn, luyện cốt". Muốn cứu giúp những nhân thân trong dòng tộc đã chết thì phải tổ chức Đại lễ Kỳ siêu, Trai đàn chẩn tế, Cúng dường Vu lan, làm tất cả các điều phước thiện...để hồi hướng phước báo cho những người thân quá cố. Nhờ sự khai thị của chư Tăng, nhờ phước báo do gia đình tạo ra hồi hướng cho các vong linh, các vong linh ấy sẽ được tỉnh thức và sinh về cõi lành.


Nguồn : phatgiao.org.vn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn