Nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của Tết Thanh minh

 

 Tết Thanh minh 2021 rơi vào ngày 4/4 dương lịch (tức 23/2 âm lịch). Đây là dịp để con cháu sum vầy, bày tỏ lòng thành với tổ tiên, nguồn cội.

Tết Thanh minh là một trong những khái niệm lập lịch của các nước phương Đông từ xa xưa.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, cứ vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm, có một tiết gọi là tiết Thanh minh. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng.

Nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của Tết Thanh minh
Ảnh: báo Giao thông

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày Tết Thanh minh.

Năm nay, Tết Thanh minh sẽ là ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 23/2 âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20 đến 21/4 dương lịch (thời điểm bắt đầu tiết Cốc vũ).

Theo TS Nguyễn Ánh Hồng – Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.

Trong ngày Tết Thanh minh, người già hay trẻ đều ra phần mộ dòng họ để con cháu có trách nhiệm hơn với gia đình, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các thế hệ trước.

Cũng theo TS Hồng, trong Tết Thanh minh, người dân có thể cúng ‘vọng tâm’ tức là cúng từ xa. Theo đó, các gia đình có thể bày biện mâm cúng và thắp hương tại từng gia đình.

‘Người việt có câu ‘Tâm xuất Phật chứng’, nghĩa là không cần đến chùa vẫn lễ được. Chúng ta tưởng nhớ tổ tiên, người đã khuất bằng cái tâm, không nhất thiết phải về quê hương mới bày tỏ được lòng thành’, tiến sĩ nói.

Cũng theo bà Ánh Hồng, mâm lễ cúng không cần quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện từng gia đình có thể bày biện mâm cỗ phù hợp để thắp hương.

Trong dịp Thanh minh các khu nghĩa trang thường trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già sẽ lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ.

Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết đến những ngôi mộ của gia tiên, sau là để biết kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Ngoài những ngôi mộ được trông nom cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng vì thế những người đi viếng mộ cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương tỏ lòng thành kính.


Theo: Lê Phương/vietnamnet.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post