NĂM LỜI QUÁN NGUYỆN KHI ĂN


1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác.

2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

3. Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành tiêu cực, nhất là tâm hành tham lam. Xin tập ăn uống cho có chừng mực và điều độ.

4. Xin nguyện ăn như thế nào để nuôi lớn lòng từ bi, giảm thiểu khổ đau của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

5. Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi lớn tình huynh đệ và thực hiện chí nguyện độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.

Quán chiếu về thức ăn một vài giây trước khi ăn và ăn trong chánh niệm có thể mang lại cho ta nhiều hạnh phúc. Ở các đạo tràng Mai Thôn, chúng ta sử dụng năm lời quán nguyện để nhắc nhở mình ý thức về thức ăn, thức ăn từ đâu đến và tác dụng của nó như thế nào.

Lời quán nguyện thứ nhất là ý thức rằng thức ăn của chúng ta đến trực tiếp từ đất trời, là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác của nhiều người, đặc biệt là những người đã chuẩn bị thức ăn hôm nay.

Lời quán nguyện thứ hai là chúng ta phải sống như thế nào để xứng đáng thọ nhận thức ăn này. Để xứng đáng thọ nhận thức ăn là ăn trong chánh niệm, nghĩa là ý thức về sự có mặt của thức ăn, trân quý và biết ơn thức ăn. Chúng ta không để đánh mất mình trong những lo lắng, sợ hãi và giận dữ về những gì thuộc về quá khứ hoặc tương lai. Chúng ta có mặt cho thức ăn bởi vì thức ăn có mặt cho chúng ta, đó là điều công bằng. Ăn trong chánh niệm, chúng ta sẽ xứng đáng với công lao của đất trời.

Lời quán nguyện thứ ba là ý thức về những tâm hành tiêu cực của chúng ta và không để cho chúng lôi kéo ta đi. Chúng ta cần học ăn như thế nào cho điều độ và chừng mực. Chúng ta chỉ lấy thức ăn vừa đủ. Quý thầy, quý sư cô, mỗi người đều có một chiếc bình bát gọi là “ứng lượng khí.” Chúng ta không nên ăn quá nhiều. Nếu ăn chậm và nhai kỹ, thức ăn sẽ trở thành bổ dưỡng. Một lượng thức ăn đúng mức là lượng thức ăn giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Lời quán nguyện thứ tư là về phẩm chất của thức ăn. Chúng ta nguyện chỉ ăn những thức ăn không gây độc hại cho thân thể và tâm thức chúng ta, chúng ta chỉ ăn những thức ăn có tác dụng làm lành mạnh thân tâm và nuôi dưỡng lòng từ bi. Đó là ăn chánh niệm. Đức Bụt đã dạy, nếu trong khi ăn mà ta làm tổn hại lòng từ bi thì cũng giống như ta đang ăn thịt những đứa con của mình. Vì vậy ta phải tập ăn uống như thế nào để nuôi sống được lòng từ bi trong ta.

Lời quán nguyện thứ năm là ý thức rằng chúng ta tiếp nhận những thức ăn này để thực hiện lý tưởng của mình. Đời sống chúng ta phải có ý nghĩa, ý nghĩa là giúp mọi người vơi bớt khổ đau và tiếp xúc được những niềm vui của cuộc sống. Khi chúng ta có lòng từ bi trong trái tim và biết rằng chúng ta có khả năng giúp được một người vơi bớt khổ đau thì cuộc sống của ta bắt đầu có ý nghĩa hơn. Thức ăn rất quan trọng đối với chúng ta và mang đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Một người có khả năng giúp được cho nhiều người, đó là điều mà chúng ta có thể làm bất cứ ở đâu.
[…]

Trích trong sách "Gieo trồng hạnh phúc " _ Sư Ông Làng Mai

Post a Comment

Previous Post Next Post