3 điểm then chốt của người tu Phật

Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả chớ không phải nhà tu.

Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn cạn hẹp nên không hiểu.

… Nếu thật là một người tu thì phải thực hành cho được ba điểm then chốt này.

Điểm thứ nhất là phải dẹp bỏ phiền não

Nếu người tu mà sáng buồn, chiều giận, như vậy có gì gọi là tu? Vì cố chấp chúng ta ôm ấp vui buồn giận hờn, không có niềm vui trên đường tu, làm sao lợi ích cho người. Bởi vậy người tu trước tiên phải dẹp bỏ kiến chấp phiền não. Dù ai nói hơn mình, ai khinh bỉ mình, thấy đó cũng là trò ảo mộng.

… Kế đến, bước thứ hai, khi bỏ phiền não dứt kiến chấp rồi, chúng ta mới mở rộng lòng từ bi, thương mọi người, thương mọi vật.


Thấy một người bạn đồng hành tu mà gặp nghịch cảnh, chúng ta có thể giúp được gì, cố gắng giúp để bạn cùng tiến tu. Đó là từ bi gần, từ bi với những người bạn đồng hành, ở cạnh chúng ta. Đừng bao giờ có ý niệm làm trở ngại tâm tu hành của người khác. Nếu lòng từ bi chưa bủa khắp mọi người, ít ra cũng bủa khắp trong chòm xóm, chung quanh mình, làm sao ai ai cũng vui, cũng an ổn để cùng tu với nhau.

Trí tuệ và từ bi là hai điều then chốt của người tu hành. Cho nên, khi nói tới quy y Phật là nói quy y với bậc Lưỡng túc tôn. Lưỡng túc là đủ hai việc, phước túc và tuệ túc. Phước đầy đủ, tuệ đầy đủ, đó là Phật.

… Thứ ba, tu thì phải có trí tuệ.

Tăng Ni đến đây là đến với đạo, đến vì sự tu hành chớ không phải vì một lý do tầm thường. Cho nên chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ, không thể tu mà mù mịt tối tăm, không nhận rõ chánh tà.

Vì vậy, điểm thứ nhất là cần mẫn học tập, để phát huy trí hữu sư, kế đến cố gắng tọa thiền để tâm an định. Tâm an định thì trí tuệ vô sư phát sáng. Từ hữu sư trí bước sang vô sư trí, chúng ta phải nỗ lực, cần mở sáng hai trí này, đừng để cho mù mịt tối tăm. Được vậy mới gọi là người tu chân chánh, đúng theo lời Phật dạy.

Nếu không làm ba điều này là tu không được. Tu không được thì tất cả những gì quý vị trông đợi đều mất.

Trích “Nguồn gốc và ý nghĩa của An cư kiết hạ”

HT. Thích Thanh Từ

Post a Comment

Previous Post Next Post