Lời Phật dạy về cách có được may mắn

Con người ai cũng mong mình có được cuộc sống suôn sẻ, may mắn, thế nên họ mới hay đi cầu Thần Phật, thỉnh bùa, mang theo bên người những món đồ được xem là mang lại may mắn.


Thế nhưng, theo đạo Phật, không có sự may mắn ngẫu nhiên, may mắn cũng không phải từ điều kiện bên ngoài mang lại. Phật nói về người ban phước giáng họa cho chúng ta là chính ta chứ không phải là ai khác. Ngài cũng răn dạy chúng ta tu thân, tạo 10 nghiệp lành giúp mình gặp may mắn, hạnh phúc cả đời: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không vu oan, vu cáo, không thâm thọc, không nói thô ác, không gian tham, không sân hận, không si mê... Nhưng tất cả những điều đó cần khoảng thời gian tu tập lâu dài, nhiều người cảm thấy nản khi phải nghĩ tới 10 điều răn trên.

Vậy có cách nào chúng ta có được may mắn một cách dễ thực hiện hơn không?
 
Thực ra 10 điều tạo nghiệp lành trên chỉ là chi tiết và cụ thể hóa từ việc thấu hiểu Nhân - Quả, từ đó mà chọn cách hành động đúng đắn.

Do đó, Đức Phật khuyên con người hãy tin vào Nhân Quả vì may mắn cũng chỉ là QUẢ từ cái NHÂN lành mà chúng ta đã tạo ra trước đây, đến đúng thời điểm thì ta được nhận lại mà thôi. Không có phép thuật nào hay bất cứ ai quyết định may rủi của ta cả.

Đúng như Đức Thế Tôn từng nói: Có duy nhất phước đức chính bản thân mình tích tụ từ bao đời trước, như một cái mền(chăn) bông khổng lồ bao bọc lấy mình khi hoạn nạn ập tới trong cuộc đời, như thuyền to giữa biển, như áo lạnh cực tốt giữa cơn bão tuyết, hay áo giáp sắt che kín thân trước cung tên giáo mác đạn dược đang phóng tứ tung.
 
Chúng ta cần đủ trí tuệ, nhận thức để hiểu ra rằng may mắn hay vận rủi đều sẽ lại tìm đến ta theo quy luật Nhân Quả. Vận may có từ thiện nghiệp ta đã tạo ra, còn hoạn nạn từ bên ngoài tới là do những ác nghiệp mình gây ra, thậm chí nó có nguồn khởi từ đời trước hay đời này ta cũng chẳng thể biết được.

Chính cuộc đời đức Phật cũng đã phải chấp nhận những hậu quả do gia đình mình gây ra mà không thể làm gì được. Khi vua Lưu Ly đem quân sang đánh giết dòng họ Thích Ca, Đức Phật ngồi dưới gốc cây, ba lần ngăn cản quân vua Lưu Ly nhưng không cứu được dòng tộc. Sở dĩ do ác nghiệp của dòng tộc Thích Ca với vua Tỳ Lưu Ly đã đến thời trổ quả.
 
Khi quân Lưu Ly tấn công, thẳng tay chém giết người dân thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài Mục Kiền Liên vì muốn cứu thân bằng quyến thuộc còn lại của Đức Phật đã dùng thần thông thu nhỏ họ lại, giấu trong bình bát, đậy kín lại và để trên cõi Trời.
 
Ngài yên tâm sẽ cứu được những người đó. Khi quân vua Lưu Ly rút, Mục Kiền Liên mang bình bát đến bạch Phật với niềm tin đã cứu sống được thân quyến của Ngài. Tuy nhiên, khi mở bình bát ra thì tất cả những người trong bình bát đã biến thành máu.
 
Vậy nên,Nhân Quả do chính ta tạo ra, chúng ta hiểu rằng chư Phật cũng không cứu nổi dòng họ mình tránh khỏi vận hạn. Khi phải trả nghiệp thì không ai có thể trốn tránh được.

Trong cuộc đời mỗi người đôi khi cũng gặp một phần may mắn, có thể thông minh hơn người khác một chút, nhưng đó không phải là tất cả để thành công, giàu có. Chính bản thân họ đã kiến tạo nên cuộc sống của mình bằng tinh thần không cam chịu, không đổ thừa cho số phận, không biện minh cho thất bại, luôn tự tin vượt qua nghịch cảnh đã giúp không ít trở người trở nên giàu có và được người đời ngưỡng mộ.

Muốn biết nhân đời trước, xem hưởng quả đời này. Muốn biết quả tương lai, xét nhân gieo hiện tại. Rốt cục, để có được may mắn ở đời này, trước tiên chúng ta chứ không phải ai khác hãy cố gắng tạo thêm phước đức là làm những việc mang lại lợi ích cho người, cho đời.

Hãy kiên trì tạo ra may mắn cho mình


Theo lời Phật dạy về cách có được may mắn đó là phải tích đức, hành thiện tức là nó nằm ngay ở hành động của chính ta. Điều quan trọng mà ta cần hỏi đó là: Ta có thực sự muốn có may mắn hay không. Vì một khi đã thực lòng mong muốn, nó không còn là suy nghĩ nhất thời nữa, bằng sự quyết tâm của mình, dù trải qua khó khăn, trở ngại, cuối cùng ta sẽ đạt được điều mình muốn.
 
 
Phật luôn khuyến khích chúng ta làm việc thiện nhưng ngày cũng biết rằng đó là việc không đơn giản, không thể có kết quả một sớm một chiều. Thế nên Đức Phật mới có câu răn rằng: “Làm việc thiện, quý ở chỗ làm một cách kiên trì không mệt mỏi. Từ nhỏ thành lớn, tích luỹ từng chút dần trở nên nhiều. Lâu đài cao 9 tầng, ban đầu cũng từ tích lũy từng chút đất dần dần mà nên cao; hành trình nghìn dặm xa, lúc ban đầu cũng là từ đôi chân đi từng bước từng bước!” (Tạm dịch).

Kiên trì là đức tính cần thiết khi muốn tích đức hành thiện, vì trong quá trình giúp người ta vẫn có thể bị oan hoặc bị người khác ghen ghét hay chẳng ai ghi nhận công sức của mình cả. Thế nhưng, nếu cái tâm ta còn muốn khen ngợi, tán thưởng vì một việc tốt mình làm thì lợi lạc, phước đức mang lại cũng không có nhiều.

Hơn nữa, dẫu hiện tại mình tưởng rằng mình chưa được hưởng gì thì cũng đừng nản chí. Đừng nên có suy nghĩ như: "Tại sao tôi giúp đỡ nhiều người thế mà tôi mãi chưa giàu, cũng chẳng gặp may". Hãy kiên trì tích lũy từng việc tốt một, hãy khoan nghĩ tới thành quả.

Do đó, hễ cứ biết là việc thiện, thì phải lập tức làm ngay, không cần toan tính quá nhiều, hơn nữa còn phải làm một cách nghiêm túc, nỗ lực và kiên trì bền bỉ. Đừng đợi khi ta giàu có, khi ta thành công mới đi giúp người, ngay từ trong năng lực hiện tại mình có gì thì cứ mang ra giúp, đừng nghĩ ngợi quá nhiều.
 
Thực tế là để có tâm lý vô tư, thoải mái khi làm một việc tốt là điều không phải ai cũng có được vì phàm là người, chúng ta luôn có cảm giác ngại ngùng khi giúp đỡ ai đó, có thể vì ta còn nhiều lo toan khác nên cảm thấy sợ phiền, sợ rắc rối, sợ bị lợi dụng. Nhưng từ giờ, hãy gạt bỏ tâm lý này, giúp người khác trước mắt là giúp người, nhưng sau chính là tích đức, tích phúc cho bản thân mình.
 
Đừng ngần ngại khi thấy người khác gặp khó khăn, chớ bỏ mặc họ, bởi trong chúng ta ai cũng sẽ có lúc cần được giúp đỡ khi gặp những chuyện không may. Hãy dẹp bỏ tâm lý mặc cảm sang một bên để đề nghị người khác giúp đỡ cho khi bạn thật sự cần. Hãy chân thành giúp đỡ khi điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn.
 
Hãy xem việc tạo ra phước đức là mục tiêu cuộc đời của mỗi người. Vì thế, một khi đã giúp đỡ người khác toàn tâm toàn ý, người khác có thể không biết nhưng hãy cứ làm chẳng phải là để được ghi nhận mà chỉ để tâm mình cảm thấy thanh thản. Hay thậm chí phải chịu hy sinh, thiệt thòi về thời gian công sức của cải nhưng đã là việc đáng làm, nên làm thì quyết tâm làm bằng cái tâm của mình.
 
Vì thực tế, một việc làm như vậy dẫu nhỏ bé đến mấy cũng sinh phước, nhưng nếu làm vì lợi ích bản thân thì dẫu tốn kém bao nhiêu cũng không mảy may sanh ra chút phước nào.
 
Vậy nên, bạn muốn có được may mắn, chỉ cần trong lòng có suy nghĩ tốt lành, làm một người tốt là đủ rồi.

 Tác giả: Hùng Lâm/lichngaytot.com

Post a Comment

Previous Post Next Post