Quan điểm của Phật giáo về vấn đề kỵ tuổi trong hôn nhân

Về vấn đề kỵ tuổi trong hôn nhân, Phật giáo không bao giờ chủ trương người Phật tử tin vào những điều gì khác, có tính cách tà tín, nhất là vấn đề bói toán, xem tuổi tác và ngày giờ tốt xấu để phán xét, đoán định vận mạng nơi quá khứ, hiện tại, vị lai.

Đạo Phật không có quan niệm về kỵ tuổi. Không có tuổi nào tốt hay xấu cả, chỉ có nghiệp do mỗi người tạo ra thiện hoặc ác rồi trở lại chi phối khiến họ gặt hái quả tốt hay xấu mà thôi. Tứ hành xung hay tam hạp…nói chung, là quan niệm lịch số của người Trung Hoa có từ xa xưa, ảnh hưởng sâu sắc trong tâm thức của hầu hết người Việt.

Nếu bạn là người Phật tử tin Phật sâu sắc, có chánh kiến, thì hãy gạt chuyện tuổi tác xung khắc ra khỏi quan niệm sống của mình. Bạn cần thiết lập niềm tin tuyệt đối vào nhân quả - nghiệp báo của chính bản thân mình. Tất cả những biến động thuận nghịch trong đời sống của bạn chính là biểu hiện cụ thể của nhân quả - nghiệp báo do bạn đã tạo dựng trước đây. Muốn chuyển hóa nghiệp nhân để có nghiệp quả tốt đẹp thì hãy sống lành mạnh, đạo đức với tự thân và mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề chênh lệch tuổi tác hay kỵ tuổi thì không có gì đáng để lo ngại cho hôn nhân. Muốn xây dựng một đời sống hôn nhân tốt đẹp điều cần thiết phải có tình yêu, sự thấu hiểu, tôn trọng mới có thể gắn bó và sẻ chia để cùng nhau đi đến hết chặng đường đời. Nếu hai người đều biết chuyển hóa ba nghiệp xấu ác của thân miệng ý trở thành hiền thiện thì chắc chắn họ sẽ thiết lập nên hạnh phúc trong quá trình chung sống, dù cho bất cứ tuổi tác nào.

Trong đạo Phật cũng ủng hộ về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc dựa trên nền tảng đạo đức, chuẩn mực của người Phật tử tại gia.

Phật giáo chủ trương và luôn khuyến khích người Phật tử tin sâu lý nhân quả nghiệp báo, với mục đích là để chúng ta tìm ra nguyên nhân hình thành ác nghiệp, để từ đó tìm mọi phương cách khắc phục, hoán cải, những nhân xấu để trở thành nhân tốt. Đồng thời, cũng chuyển hóa những ác nghiệp trở thành thiện nghiệp. Có thế, thì mới cải thiện được đời sống của chúng ta ngày càng thăng hoa tốt đẹp hơn.

Theo Phật giáo, chuyện xảy ra “cơm không lành canh không ngọt” mất hòa khí trong gia đình đó không phải do tuổi tác không hợp nhau mà là do tập khí chủng nghiệp của mỗi người huân tập ở những môi trường sống khác nhau, mà người ta thường nói là tánh tình không hợp.

Khi nói tánh tình không hợp, ta phải xét tìm nguyên nhân lý do tại sao? Nếu bảo rằng, do tuổi tác, thì lẽ ra từ đầu chí cuối phải là xung khắc luôn luôn, chớ tại sao khi hợp khi khắc? Khi vui thì hợp, khi buồn thì khắc. Khi vừa ý thì hợp, khi trái ý thì khắc. Như vậy, sự xung khắc bất hòa nầy do đâu? Tại sao mỗi người không chịu tìm hiểu lại chính mình mà đổ thừa cho tuổi tác?

Phật giáo, với cái nhìn của tuệ giác, không thể chấp nhận cho việc tránh né đổ thừa này. Thử hỏi trên đời có ai làm vừa ý mình hết không? Chính mình có đôi khi còn không vừa ý với chính mình, thì có ai mà làm vừa ý mình.

Như vậy, rõ ràng không phải do tuổi tác xung khắc mà là do nhiều yếu tố khác. Yếu tố nào gây ra sự bất hòa? Đó là điều mà người Phật tử cần phải truy nguyên tận nguồn gốc của sự bất hòa đó. Trên đời nầy, không có gì là không có nguyên nhân. Thường chúng ta hay mắc phải chứng bệnh chủ quan. Mà bệnh chủ quan là con đẻ của bệnh chấp ngã. Vì chấp ngã, nên cái gì mình cũng đúng hết. Mọi lỗi lầm đều do người kia gây ra, mà chúng ta không chịu tìm hiểu căn nguyên vấn đề của chính mình.

Tuệ An
Theo: Phật Giáo Việt Nam

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn