Sự may mắn theo luật nhân quả

Cái phước trong đạo Phật gọi là phúc, khi cái phúc của chúng ta dày rồi thì chúng ta muốn điều gì sẽ được điều đó. Chúng ta không có điều kiện đạt được nhưng tự điều đó sẽ đến với ta. Phúc này từ đâu mà có?

May mắn là một điều bí mật của cuộc đời. Trong cuộc sống vô tình mình gặp được những cơ hội, thành công. Nhưng có những người lại không gặp cơ hội, cứ tính chuyện gì thì trật chuyện đó. Ta gọi đó là rủi ro, ngoài tầm kiểm soát. Có những người nghĩ mình hiểu hết quy luật của kinh tế, sau khi học đại học thì sẽ làm giàu.

Nhưng không, đụng đâu lại gặp bất hạnh đó, không thành công vì còn một tham số bí ẩn đó là sự may mắn. Nếu không có sự may mắn thì dù rất cố gắng chúng ta vẫn không thành công. May mắn luôn là một bí mật của tạo hóa, đất trời nhưng đạo Phật lại lý giải cho ta được điều đó theo luật nhân quả.

Nếu trong điều kiện còn hạn chế của chúng ta mà ta vẫn cố gắng giúp đỡ người khác được thì chắc chắn sau này điều may mắn sẽ đến với chúng ta rất là nhiều. Và chúng ta nên thực tập điều đó ngay từ bây giờ. Có thể ta vẫn còn là một người khó khăn, gia đình ta không giàu nhưng chúng ta vẫn có thể đem công sức để bày tỏ tình thương yêu đối với mọi người xung quanh.

May mắn luôn là một bí mật của tạo hóa, đất trời nhưng đạo Phật lại lý giải cho ta được điều đó theo luật nhân quả.

Chính vì trong lúc khó khăn mà ta vẫn thương yêu giúp đỡ được thì may mắn sẽ đến với ta mà ta không giải thích được.

Cái phước trong đạo Phật gọi là phúc, khi cái phúc của chúng ta dày rồi thì chúng ta muốn điều gì sẽ được điều đó. Chúng ta không có điều kiện đạt được nhưng tự điều đó sẽ đến với ta. Phúc này từ đâu mà có?

Trong đạo Phật có một câu chuyện đẹp về ngài Sivali. Vào thời Đức Phật, cách đây hơn 2.500 năm. Khi Đức Phật đắc đạo và ngài đi khắp nơi để giáo hóa, nhiều người theo Đức Phật tu hành và nhiều vị đã đắc đạo. Vào thời đó, các vị tỳ khưu (thầy tu) họ không sống được đời sống thoải mái như bây giờ vì đời xưa vật chất còn ít. Các vị chỉ có một cái bình bát, vào buổi sáng các vị đi vào xóm làng, đi chậm rãi qua từng cửa nhà. Và những người trong dân làng biết những vị này đi xin ăn, đi khất thực. Họ sớt cơm, thức ăn vào, nếu vị đó thấy chưa đủ no sẽ đi vào một nhà khác. Khi nào nhìn thấy bình bát đủ rồi họ sẽ từ giã ngôi làng và đi ra khỏi làng.

Họ đến bên gốc cây và họ ngồi xuống ăn, sau khi ăn xong thì họ rửa bát, đi bách bộ một lát rồi ngồi thiền dưới gốc cây. Rồi sau đó có những công việc gì cần làm thì làm. Còn về ngài Sivali sau khi đi khỏi làng khất thực xin ăn, ngài cũng cầm bát đi ra khỏi làng, lựa một gốc cây để ngồi ăn. Nhưng tiếc là khi ngài ăn đến muỗng cơm cuối cùng. Thì một con chó đói chạy tới, nó gầy trơ xương, nó đến vẫy đuôi vì nó nghe mùi thức ăn, ý rõ ràng muốn xin ăn. Nhưng ngài lại vừa nuốt miếng cuối cùng vào trong bụng, nhưng lúc này ngài thương nó quá. Bởi vì các vị Thánh hay ở chỗ các ngài có thể cảm nhận được nỗi khổ của chúng sinh như chính họ.

Các vị Thánh khác chúng ta ở chỗ đó, ví dụ như chúng ta đi ngang, chúng ta thấy người bị té xuống bị trầy xước tay xước chân, rồi chúng ta cười, đi qua luôn. Nhưng các vị Thánh thì cảm nhận được nỗi đau của người đó như chính mình đang đau, vì thế họ rất là thương, chỉ khác nhau chỗ đó thôi. Đối với ngài Sivali cũng vậy, khi con chó ốm vẫy đuôi lè lưỡi ra thì ngài cảm nhận được cái đói của nó. Lúc đó, ngài đã nuốt hết miếng cuối cùng nhưng ngài không thể đi xin hai lần, vì luật của đạo Phật là không được đi xin hai lần trong ngày (chỉ được ăn một lần, và qua ngày mai ăn nữa). Do không còn cách nào khác nên ngài dựng thẳng lưng lên và vận lực ép hết thức ăn ngài đã ăn để cho nó ăn và ngài chấp nhận nhịn đói ngày hôm đó và về tinh xá nghỉ ngơi. Ngài chấp nhận nhịn đói ngày hôm đó để cho con chó ăn được một buổi.

Ví dụ như trước mặt chúng ta có một bát phở, chuẩn bị ăn. Có một người đó đến xin chúng ta, có một người đói đến thì chúng ta chấp nhận mình đói để nhường bát đó. Người đó trên thế gian đã rất hiếm có và vĩ đại. Còn đây ngài ăn vào rồi mà lại ọc ra để cho con chó được ăn thì người đó trên cả vĩ đại. Tình thương của ngài đối với chúng sinh như vậy đã động lòng trời, động đến 9 tầng trời trên cao. Các vị thiên tử trên cao nhìn xuống động lòng trước tâm từ bi của một vị thầy tu như vậy. Từ đó, ngài Savali muốn điều gì là ở trên cao, các vị trên trời đều tìm cách thỏa mãn cho ngài hết.

Ví dụ như một ngày mùa đông rất là lạnh, ngài cảm thấy áo mình mặc không đủ ấm. Ngài khởi ý muốn một chiếc áo ấm thì lập tức ngày hôm sau, có một thí chủ mang một chiếc áo ấm đến cúng dường ngài liền, mặc dù ngài chưa hề xin. Vì chư thiên ở trên cao tác động vào tâm người có tâm và có của đem đến cúng cho ngài liền.

Cái nhân ta của ta là một phép lạ, nên quả đến với ta là một phép lạ.

Nghĩa là ngài muốn điều gì thì luôn luôn ngài được điều đó vì ngài đã quá thương yêu chúng sinh. Do vậy, sống trên đời này phải đem lại niềm vui cho người khác, hãy giúp người khác bằng bất cứ điều gì mình có. Sống như vậy tuy cực, nhưng cuộc đời rất là vui. Khi quả phúc đến, chúng ta mới thấy thật là có ý nghĩa. Nhiều người nghe lời chúng tôi đã làm được điều đó. Rồi 5 năm sau, họ đều có kết quả giống nhau là họ muốn điều gì thì điều đó sẽ đến.

Ví dụ như người giàu thì họ muốn điều gì thì điều đó dễ, vì họ có thể dùng tiền để mua. Còn người không có tiền muốn mà vẫn có thì đó mới là một phép lạ. Phép lạ đó trong đạo Phật gọi là phúc, điều bí ẩn. Phép lạ này do chính chúng ta tạo nên vì chính chúng ta đã từng tạo nên phép lạ. Chính trong những hoàn cảnh ít ỏi mà chúng ta dám nhường cơm sẻ áo. Ví dụ như hôm đó chúng ta có hai bộ đồ, gặp một người có 1 một bộ đồ duy nhất mà bị rách, thế là ta lấy bộ đồ của mình ra cho mà không biết ngày mai mình sẽ thay bộ đồ nào.

Khi chúng ta hy sinh đến mức độ đó, thì ta cũng vừa làm xong một phép lạ. Đó là những điều khó tin trên cuộc đời này. Và sau này phép lạ sẽ đến với ta, sau này khi ta bước ra xã hội, khi chúng ta đi bộ đi làm. Rồi trong lòng bỗng thích có một chiếc xe máy để đi, thì bỗng nhiên chúng ta được, không biết từ nguồn nào. Ta không có tiền nhưng đó chính là phép lạ. Nhưng thực sự đó không chỉ là sự huyền hoặc, mà đó là do cái nhân, rồi nay có cái quả. Cái nhân ta của ta là một phép lạ, nên quả đến với ta là một phép lạ.

Trong những hoàn cảnh cực khổ, chúng ta dám nhường phần ăn khi mình chưa no cho một người khi họ đang đói. Ta dám nhường chiếc áo duy nhất mặc dù không biết ngày mai mình sẽ mặc gì. Ta đã làm nên phép lạ trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể. Nên một mai khi bước ra xã hội, sẽ có nhiều phép lạ đối với ta cũng là điều tự nhiên mà thôi.

TT. Thích Chân Quang
Theo: Phật Giáo Việt Nam

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn